Học văn qua lễ hội trò chơi dân gian
Cuối tuần qua, gần 400 học sinh khối 8 Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đã có dịp hòa mình vào các trò chơi văn hóa dân gian như tạt lon, nhảy dây thun, ô ăn quan, nhảy lò cò, nhảy sạp, đá cầu, banh đũa, đập lon, ném vòng… Đây là một trong những hoạt động của dự án “Lễ hội trò chơi dân gian” do Tổ bộ môn Ngữ văn của nhà trường tổ chức.
Học văn hóa qua lễ hội trò chơi dân gian.
Cuối tuần qua, gần 400 học sinh khối 8 Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đã có dịp hòa mình vào các trò chơi văn hóa dân gian như tạt lon, nhảy dây thun, ô ăn quan, nhảy lò cò, nhảy sạp, đá cầu, banh đũa, đập lon, ném vòng… Đây là một trong những hoạt động của dự án “Lễ hội trò chơi dân gian” do Tổ bộ môn Ngữ văn của nhà trường tổ chức.
Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết với mục đích đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, giúp các em chủ động tiếp cận kiến thức và rèn kỹ năng sống, tổ Ngữ văn đã chọn chủ đề trò chơi dân gian để lồng ghép các hoạt động dạy và học văn thuyết minh, một trong những thể loại văn bản quan trọng trong chương trình môn Ngữ văn bậc THCS.
Nhằm giúp học sinh hòa mình trọn vẹn vào không gian lễ hội, đồng thời có những trải nghiệm chân thật nhất, toàn thể học sinh và giáo viên tham gia ngày hội đều được yêu cầu mặc trang phục dân gian như áo bà ba, áo tứ thân, áo dài khăn đóng…
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh hào hứng tham gia các trò chơi trong lễ hội
Theo sự phân công của giáo viên, từng nhóm học sinh sẽ nghiên cứu, chọn ra một trò chơi dân gian yêu thích để thực hiện bài văn giới thiệu tổng quan về nguồn gốc, ý nghĩa, cách chơi và luật chơi. Sau đó, các em tái hiện trò chơi thông qua việc dựng các gian hàng, tổ chức trò chơi cho các bạn lớp khác cùng tham dự.
Đáng nói ở đây là toàn bộ công đoạn từ việc lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch đến tổ chức và dàn dựng đều do học sinh đảm trách, giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn khi các em gặp khó khăn.
Nhiều học sinh của trường bày tỏ, tuy gọi là tham gia lễ hội nhưng thông qua những hoạt động, các em có thêm nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử đất nước.
Các gian hàng trò chơi được tổ chức không chỉ giúp các em có thêm cơ hội trải nghiệm, tăng tính giao lưu, đoàn kết, mà còn ý thức rõ nét hơn về tinh thần làm việc nhóm và lòng tự hào dân tộc. Thông qua các bài văn thuyết minh, đặt câu hỏi phản biện, học sinh được rèn kỹ năng thuyết phục và giao tiếp, xử lý vấn đề.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động học theo hình thức mở, các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” giúp học sinh không chỉ tăng thêm hứng thú trong học tập mà còn nhớ lâu kiến thức.
THU TÂM
http://www.sggp.org.vn/hao-hung-hoc-van-qua-le-hoi-tro-choi-dan-gian-571082.html
Xem thêm